NHỮNG THÓI “CHƯỚNG” HỮU ÍCH CỦA TRẺ
Trẻ từ 1-3 tuổi thường có những thói quen bố mẹ cho là “xấu” nhưng kỳ thực khá lợi cho sự phát triển của trẻ. Đừng vội “nổi cáu” và bực bội khi con có những hành động dưới đây và điều quan trọng nhất là bố mẹ cần ứng xử phù hợp với từng tình huống
Bướng bỉnh, hay ăn vạ
Mẹ đếm không hết đã bao lần bé yêu ngang bướng, nhăn mặt, và cương quyết không chịu nghe theo lời mẹ? Chuyện này cũng bình thường và tự nhiên thôi. Trẻ mà lúc nào cũng nhất nhất phục tùng mệnh lệnh của bố mẹ sẽ thiếu cá tính và khó độc lập, tự tin, mạnh dạn trong cuộc sống hơn so với trẻ có nhu cầu bộc lộ quan điểm cá nhân, muốn khẳng định tiếng nói của riêng mình. Điều quan trọng ở đây là mẹ nên phản ứng như thế nào cho phù hợp.
Mặc dù vẻ mặt và thái độ ngang bướng của trẻ có thể khiến mẹ nhiều khi phải nổi giận, nhưng đừng nên quát nạt, bắt ép trẻ phải làm theo ý mình. Mẹ nên kiên nhẫn giải thích lí do vì sao trẻ cần phải làm vậy và hướng dẫn cho trẻ cách làm nữa kia.
Nghịch ngợm khi ăn
Với bố mẹ đang có con nhỏ từ 1-3 tuổi thì việc dọn dẹp “bãi chiến trường” sau khi trẻ ăn, và khi nhìn thấy gương mặt nhoe nhoét thức ăn của con hẳn là điệp khúc ngao ngán. Tuy nhiên, nhiều quan sát khoa học cho thấy việc chơi nghịch khi ăn giúp trẻ ghi nhớ, phân biệt các món ăn dễ dàng hơn. Để con trong tâm trạng thoải mái chơi đùa còn giúp trẻ biết cảm nhận hương vị, hình dạng của những nhiều món ăn nhau. Vì thế, chớ nên bực bội khi thấy con nghịch khi ăn mà hãy tạo cho con những phút giây ăn ưống thoải mái, giúp con khám phá món ăn nữa.
Hay thắc mắc
Ông bố bà mẹ nào cũng trãi qua giây phút phải “phát điên” khi trẻ liên hồi đặt ra những câu bắt đầu bằng: “Tại sao, tại sao…”. Thoạt tiên trẻ nêu ra những câu hỏi ngô nghê khiến nhiều phụ huynh cảm thấy thú vị và dễ thương nhưng càng về sau, tính tò mò của trẻ có thể làm bố mẹ nhức đầu, khó chịu.
Tuy nhiên, đừng vì thế mà quát tháo, buộc trẻ thôi hỏi hay thậm chí phớt lờ không giải đáp cho con. Trẻ thắc mắc nhiều chứng tỏ là đang rất háo hức tìm hiểu về thế giới xung quanh và đây cũng một trong những biểu hiện trí thông minh của trẻ.
Hiếu động, nghịch ngợm
Đừng vội la hét, quát mắng khi thấy con mải mê nghịch với đất cát, dầm mưa hay leo trèo, chạy nhảy như con vụ. Đây là cách trẻ tiếp thu những điều mới lạ và tăng cường vận động thể chất. Dù trông chừng những trẻ hiếu động khá vất vả nhưng đó là dấu hiệu đáng mừng khi trẻ ưa khám phá, phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.
Sợ sệt
Bố mẹ chớ nên phàn nàn khi thấy con hay tỏ ra sợ hãi. Biểu lộ lo sợ là tín hiệu tốt cho thấy trẻ biết nhận ra mối đe doạ, hiểm nguy hiểm có thể xảy ra mà phòng tránh. Quan trọng là bố mẹ cần hiểu rõ trẻ đang lo sợ điều gì và hãy giải thích cho trẻ biết sợ hãi là phản ứng bình thường của con người. Chẳng hạn như, nếu trẻ sợ sấm sét, thì đây là điều đáng mừng vì trẻ sẽ không tự tiện chạy nhảy ngoài trời lúc có sấm sét mà tránh được rủi ro. Lúc này, bố mẹ cần giải thích cho con biết sấm sét là hiện tượng bình thường của tự nhiên và chỉ cần ở nơi an toàn trong nhà, không ra ngoài trời thì không có gì phải sợ cả.